Trong năm học vừa qua, trường THPT Nguyễn Tất Thành vô cùng tự hào khi dẫn dắt được một lứa học sinh 95 vô cùng tài giỏi với điểm thi đại học rất cao, chứng tỏ chất lượng rèn luyện tốt và sự thành công rất lớn trong công tác giáo dục. Trong đó, lớp 12A3 được vinh danh như một cái nôi của những thủ khoa trong trường. Sau anh Nguyễn Công Việt Hưng – thủ khoa khoa Toán trường Đại học Sư phạm, chị Trần Mai Anh – thủ khoa khoa Dược Đại học Quốc gia Hà Nội, cái nôi ấy lại tiếp tục lộ diện thêm một gương mặt vô cùng xuất sắc: anh Nguyễn Lê Việt Anh, thủ khoa khoa Kinh tế Quốc tế trường Đại học Ngoại thương với số điểm đáng mơ ước – 28,5.


Nguyễn Lê Việt Anh - thủ khoa khoa Kinh tế Quốc tế trường Đại học Ngoại thương

Tự giới thiệu mình là một người vui tính, ham chơi và ham vui, anh đã gây ấn tượng với tôi trước hết qua cách nói chuyện vô cùng hài hước và thoải mái như một người bạn thân lâu năm. Anh có những sở thích hết sức bình dị như đá bóng, nghe nhạc – nhất là những bản dương cầm của nghệ sĩ nổi tiếng Yiruma, lên facebook chém gió cùng bạn bè,… Nhìn lại mười hai năm học, anh thừa nhận mình cũng không có thành tích gì đặc biệt, chỉ là năm nào cũng đạt danh hiệu Học sinh Giỏi – ba năm cấp ba còn luôn đứng trong top 3 của lớp, rất tích cực tham gia các hoạt động trường lớp và là Phó bí thư của chi Đoàn 12A3. Nếu chỉ dừng lại ở đó, hẳn anh chẳng khác nào bao học sinh đỗ đại học bình thường khác? Bí quyết chính là ở chỗ, anh có những cách học vô cùng độc đáo mà lại hiệu quả. Được may mắn phỏng vấn anh về những phương pháp học tập, tôi đã vô cùng thích thú và  ngạc nhiên trước những điều thú vị mà anh chia sẻ.

Anh kể, hồi đầu năm lớp 12, anh hầu như vẫn không biết gì về môn Hóa. Thế nhưng, điểm thi đại học môn này của anh lại rất cao – 9,5. Vậy anh đã đi lên từ con số không như thế nào? “Nói chung là anh vẫn phải đi học thêm. Học Hóa thì chủ yếu là nhớ, làm đủ các dạng bài tập. Giai đoạn cuối là quan trọng nhất, phải tập trung toàn lực. Thực ra mấy tháng cuối anh chỉ tự học ở nhà là chính, làm thật nhiều đề rồi sẽ khá lên”. Cách học ấy không chỉ áp dụng cho môn Hóa mà còn rất hiệu quả đối với các môn Lý, Toán.

Anh còn chia sẻ thêm“Điều quan trọng là phải nhớ theo kiểu tư duy và có hệ thống chứ đừng học vẹt. Cách học của anh vốn không có gì đặc biệt, thậm chí anh ít khi học thuộc lòng, nhưng cứ làm nhiều bài tập thì kiến thức tự nhiên sẽ ăn sâu”. Trong suốt quá trình trò chuyện, không ít lần anh nhắc tới việc làm nhiều bài tập. Có lẽ, phương châm học chủ yếu của anh là “làm nhiều rồi quen”, và chính phương châm ấy đã giúp anh đạt điểm cao trong kì thi. Đó là cách học chú trọng thực hành để ghi nhớ lý thuyết, chú trọng việc áp dụng để thành thạo trong cả kĩ năng làm bài lẫn hiểu sâu vấn đề, thực sự rất đáng để chúng ta học hỏi.

Không dừng lại ở đó, anh đã chia sẻ một bí quyết vô cùng độc đáo và “bá đạo” mà có lẽ, không nhiều người có thể nghĩ đến. Những môn trắc nghiệm Lý và Hóa, anh không hề giải theo trình tự thông thường gồm đầy đủ các bước như trong lý thuyết mà luôn tận dụng tối đa khả năng đoán đáp số, tức là chỉ làm một vài bước căn bản  nhất, tìm ra đáp án có khả năng đúng nhất rồi thay vào đề bài để thử lại. Với cách làm này, thí sinh sẽ tiết kiệm kha khá thời gian và tỉ lệ chính xác cao hơn rất nhiều khi làm bài thi. “Điều cốt yếu của phương pháp này chính là phải nhìn ra được bài nào dùng cách nào, giải nhanh hơn hay thử đáp số nhanh hơn.”

Chắc hẳn nhiều bạn khi đọc đến đây cũng thắc mắc, vậy thì làm thế nào để phân biệt được, từ đó chọn ra cách giải thủ công hay đoán đáp số? Câu trả lời của anh rất đơn giản, vẫn là phương châm đơn giản mà hiệu quả ấy – “làm nhiều rồi sẽ quen thôi”. Riêng đối với môn Toán thi tự luận, anh làm hết bài tập thầy cô giao cho, trên lớp tập trung để ý nghe giảng. Môn Toán yêu cầu tính cẩn thận rất cao nên cần phải làm đầy đủ theo trình các bước một cách rõ ràng và mạch lạc, tránh những nhầm lẫn dẫn đến sai sót không đáng có.

Hiện nay, tình trạng đi học thêm đã trở nên rất phố biến, thậm chí có những bạn đi học thêm một môn đến hai ba chỗ. Khi được hỏi về vấn đề này, anh thẳng thắn đưa ra quan điểm: “Không nên, học như thế loạn hết kiến thức mà lại mệt người, học một chỗ thôi, còn lại dành thời gian mà tự học ở nhà.” Anh Việt Anh đánh giá cao tinh thần tự giác và sự chủ động trong học tập, có lẽ chính vì vậy mà anh có rất nhiều thói quen tốt giúp không phải dành quá nhiều thời gian học thêm chỗ này chỗ khác mà thành tích vẫn vượt trội. Anh rất hay tìm tòi những kiến thức trên mạng, cái gì mình không biết đều có thể tự tìm kiếm, dùng cách này ở nhà vừa nhanh lại tránh phải gọi điện, nhắn tin làm ảnh hưởng đến người khác. Ngược lại, trên lớp mỗi khi gặp vấn đề nan giải nào đó, anh không ngại học hỏi từ những người bạn giỏi hơn mình.

“Tóm lại, kinh nghiệm đạt điểm cao của anh chỉ gói gọn trong mấy điều:

- Không nên học thêm quá nhiều, có cũng học ít thôi, dành thời gian tối đa vào việc tự học và học từ bạn bè.

- Không nên chỉ lo học thêm mà bỏ quên kiến thức trên lớp, vì những kiến thức ấy rất hay và quan trọng.

- Cần phải tạo cho mình điểm rơi tốt. Không nên học dồn quá nhiều ngay từ đầu để rồi mất sức vào những chặng cuối, rồi trở nên chán nản.

- Học suốt một năm thì rất mệt, vì thế nên tự tạo cho mình những thời gian nghỉ. Ví dụ như anh học cật lực cả một tháng rồi chậm lại chừng một tuần cho thư giãn. Học như thế sẽ không bị áp lực mà lại đỡ oải.”

Những chia sẻ về kinh nghiệm học tập của anh là bài học quý báu mà bất kì bạn học sinh nào đang trong quá trình ôn thi đều nên lắng nghe. Hi vọng rằng các bạn hãy trân trọng chúng, biết cách vận dụng sao cho hiệu quả nhất để thành công trong mọi kì thi với điểm số thật cao. “Chất lượng” của những phương pháp ấy đã được kiểm chứng qua chính điểm thi thử đại học tăng đều của anh: từ 22,5 lên đến 24, 25 điểm và cuối cùng là 28,5 – một con số không phải ai cũng có thể chinh phục.

Nếu được trò chuyện cùng anh vì tâm trạng trước và sau khi thi đại học, chắc hẳn không ai có thể nhịn cười trước những câu nói chân thành, thẳng thắn mà hài hước: “Trước khi thi đại học anh cũng sợ không đỗ được lắm, nhưng sau khi thi thì khác hẳn, vì chắc mình đã đỗ rồi nên cũng khá ung dung, thậm chí lúc biết điểm cũng rất bình thường. Thi Lý và Hóa tự chấm được, Toán cũng làm tương đối nên không lo mấy”. Để có được sự bình thản như vậy, anh đã phải đánh đổi cả một năm trời học tập nghiêm túc và vất vả. Ông cha ta đã từng nói, “có công mài sắt có ngày nên kim”, mong rằng tất cả các bạn học sinh của ngôi trường mang tên Bác, đặc biệt là lứa học sinh 96 sắp tới, có thể kiên trì và quyết tâm đến cùng, giữ cho mình những tâm thái tốt nhất khi đối mặt với mọi kì thi, như những gì anh Nguyễn Lê Việt Anh và các anh chị khóa trước đã làm được.

Không chỉ là học sinh xuất sắc, anh Việt Anh còn rất được bạn bè quý mến. Chị Trần Mai Anh, bạn cùng lớp đồng thời là tân thủ khoa khoa Dược Đại học Quốc gia Hà Nội có chia sẻ, “Việt Anh rất thông minh, nhanh nhẹn, hòa nhã và hay giúp đỡ bạn bè, hơi nóng tính nhưng nhiều lúc cũng rất đáng yêu.”

Cuộc trò chuyện tuy không dài nhưng đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng cùng những bài học vô giá. Thành tích của anh đã góp phần tô điểm cho bảng vàng thích tích rạng rỡ của trường THPT Nguyễn Tất Thành, tiếp tục khẳng định và nâng cao vị thế của ngôi trường mang tên Bác trong nền giáo dục thủ đô. Cuối cùng, xin được gửi lời cảm ơn anh Nguyễn Lê Việt Anh vì những chia sẻ hết sức chân thành và hữu ích mà anh dành cho các bạn học sinh, chúc cho anh sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường đi đến ước mơ của mình!

Nguyễn Thị Dung - lớp 12D5 (CLB Phóng Viên)