Trong tiết trời lạnh giá của một ngày mùa đông, thầy và trò trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành chúng tôi đã có chuyến thăm hỏi các bác, các chú thương bệnh binh tại trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng - Hà Nam, hướng tới kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014). Hoạt động thường niên đầy ý nghĩa này được tất cả các thầy cô giáo và các em học sinh hưởng ứng đầy trân trọng.
Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng đóng trên địa bàn thị trấn Ba Sao - huyện Kim Bảng - tỉnh Hà Nam. Là đơn vị thuộc Cục Người có công - Bộ Lao động TB&XH, được thành lập từ tháng 3/1976 với chức năng, nhiệm vụ: Quản lí, chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho thương bệnh binh và thân nhân của Người có công bị mắc bệnh tâm thần mãn tính. Hơn 38 năm qua, các thế hệ cán bộ viên chức của trung tâm đã đoàn kết thống nhất xây dựng đơn vị và thực hiện tốt chính sách TBXH của Đảng và Nhà nước. Hiện tại trung tâm đang nuôi dưỡng và điều trị 110 đối tượng: trong đó có 85 thương binh nặng và 24 đối tượng là hưu trí, viên chức mất sức, thân nhân người có công của 20 tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi trở ra. Các thương bệnh binh ở trung tâm thường bị mắc bệnh tâm thần mạn tính, sa sút về hoạt động tâm thần do vết thương sọ não và 70% thương bệnh binh còn lại sa sút trí tuệ nặng: nóng giận, thờ ơ, buồn vui lẫn lộn, trí nhớ giảm sút, không còn nhớ người thân của mình, thậm chí nhiều bác không còn nhớ mình là ai.
Thầy Phó hiệu trưởng Đỗ Danh Bích thay mặt nhà trường
tặng
quà tri ân các bác thương bệnh binh nặng tại trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim
Bảng - Hà Nam.
Nhưng khi có mặt tại nơi đây, chúng tôi lại nhận ra sự ấm áp tỏa ra từ tấm lòng của các bác, các chú… thương bệnh binh của trung tâm. Cảm xúc của chúng tôi như vỡ òa và thực sự xúc động trước sự đón tiếp nồng nhiệt của các bác, các chú… và tình cảm ấy khó có thể diễn tả hết bằng lời ngay trong khoảnh khắc ấy. Những khuôn mặt ấy, nụ cười ấy, bài hát hào hùng của một bác thương binh nặng tại trung tâm gửi đến chúng tôi làm cho chúng tôi cảm phục biết mấy! Và cả những cái nắm tay thật chặt không muốn rời xa cứ ám ảnh chúng tôi trong suốt thời gian ở nơi này và để lại trong lòng mỗi chúng tôi những xúc cảm khó quên trong suốt hành trình trở về.
Chiến tranh đã qua đi nhưng mất mát còn để lại còn quá lớn! Và khi đặt chân đến nơi này chúng tôi đã thấu hiểu chúng tôi còn cần phải làm nhiều việc có ý nghĩa hơn thế để có thể mang lại nhiều niềm vui và nụ cười, đền đáp một phần xương máu của thế hệ cha anh đã đi qua hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Cô giáo Nguyễn Minh Huệ cùng đi với đoàn chúng tôi đã không giấu nối cảm xúc của mình khi chia sẻ : “Nghẹn ngào, xúc động khi đến nơi đây. Phần lớn các bác không còn biết được mình là ai? mình ở đâu? Chiến tranh đã qua đi nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn còn ở lại làm nhức nhối trái tim của mỗi người dân Việt”. Trước chuyến đi này, bản thân mỗi chúng có thể chưa hiểu và nhận thức đầy đủ về người lính nhưng sự kính phục và tình yêu trong trái tim chúng tôi về họ luôn đậm sâu và rõ nét. Và khi đến thăm trung tâm, chúng tôi còn nhận ra một điều rất quan trọng đó là những nhọc nhằn, khó khăn, gian khổ, mất mát… khi những người lính trở về với cuộc sống thời bình. Nhưng ở họ - những người thương bệnh binh tại trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng - Hà Nam này, chúng tôi cũng đã nhận ra nhiều phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng. Những người lính năm xưa giống như những cây xương rồng, gai góc, mạnh mẽ vẫn đang sống và cố gắng dũng cảm vượt qua tất cả những khắc nghiệt của cuộc đời để tồn tại có ích, có ý nghĩa.
Dù cuộc gặp gỡ của các thầy cô giáo cùng các em học sinh với các bác, các chú thương bệnh binh tại trung tâm không dài nhưng mỗi chúng tôi đều đã có những thời gian trải nghiệm nhất định cho riêng mình khi được quan sát, được nghe, được chứng kiến, được ngắm nhìn những nụ cười hạnh phúc, được nhìn thấy ánh mắt chan chứa niềm vui của những người lính… trong lòng mỗi chúng tôi không khỏi xúc động và thấm thía!
Chúng tôi cũng thấu hiểu khi đất nước có chiến tranh chính các bác, các chú cùng hàng nghìn thanh niên “xếp bút nghiên ra trận chiến đấu” với khí thế hào hùng, với tình yêu đất nước mãnh liệt. Đạn bom, gian khổ, hi sinh không thể xóa nhòa được tình yêu tha thiết, niềm tin vững vàng của cả một thế hệ ấy dành cho Tổ quốc mến thương!
Thầy giáo Vũ Ngọc Toản nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của các bác, các chú thương bệnh binh tại trung tâm.
Chiến tranh rồi cũng sẽ lùi dần vào dĩ vãng, cảm giác đau đớn, mất mát rồi cũng nguôi dần, thời gian sẽ chữa lành tất cả và chỉ có một nỗi buồn miên man trong lòng con người là sẽ còn mãi. Chúng tôi hi vọng, mình sẽ là những sắc nắng đẩu đông mang lại những tia sáng ấm áp của tình yêu thương để có thể sưởi ấm, làm vơi bớt những kí ức buồn của chiến tranh, để các bác, các chú quên đi một phần.
Chuyến đi này mặc dù rất ngắn ngủi này nhưng mỗi chúng tôi đều hiểu ra nhiều điều có ý nghĩa trong cuộc sống của mình! Bản thân mỗi cá nhân chúng ta hãy sống không chỉ cho chính bản thân mình mà cần sống thật ý nghĩa vì mọi người vì một cuộc sống tốt đẹp hơn và thế hệ trẻ của ngày hôm nay không bao giờ được phép quên đi quá khứ hào hùng của dân tộc!
Xin dành tặng những lời chúc tốt đẹp nhất để tri ân các bác, các chú, các anh… và những thế hệ người lính trên khắp mọi miền của đất nước. Hơn thế nữa xin thể hiện tấm lòng tri ân của thầy và trò trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành với một tấm lòng biết ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh đã hi sinh cả cuộc đời mình cống hiến tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất của Tổ quốc!
Bài: Cô giáo Lê Hạnh
Ảnh: Cô giáo Nguyễn Minh Huệ