Dưới mái nhà lợp tôn đã cũ, hình ảnh bà ngoại tần tảo sớm hôm hay dịu dàng kể lại những chuyện xưa mỗi đêm có lẽ đã trở thành một phần ký ức không thể phai mờ trong tim con. Tình cảm bà dành cho con cháu không chỉ là những cái ôm ấm áp, những món quà nhỏ bé, mà còn là sự hy sinh thầm lặng, chở che qua từng năm tháng. Bằng tất cả sự bao dung và yêu thương vô điều kiện ấy, bà ngoại đã dạy ta những bài học quý giá về lòng nhân ái và lẽ sống cao đẹp. Đó là một thứ tình cảm thiêng liêng, giản dị mà sâu sắc; để rồi khi lớn lên, con vẫn luôn mong được một lần nữa trở về bên bà, nằm nghe bà kể “Hồi bà còn trẻ…”.

Sự hi sinh thầm lặng

Ở tuổi xế chiều - cái tuổi đáng lẽ cần phải nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống - nhưng có bao giờ ngoại không ngừng lo lắng cho con cho cháu. Bà ngoại chính là hiện thân cho sự tần tảo và tận tụy lặng lẽ. Từ những bữa cơm đậm đà tình yêu thương đến những đêm dài thao thức khi con cháu ốm đau, bà luôn âm thầm lo lắng, chăm sóc mà không một lời than phiền. Cuộc sống của bà là những tháng ngày vất vả, ngược xuôi chỉ mong mang lại cho con cháu sự đầy đủ, ấm áp và hạnh phúc. Dù mệt mỏi hay khó khăn, bà vẫn gắng gượng, miễn là con cháu được bình an là bà đã rất hạnh phúc rồi.

Tuổi tác không phải rào cản cho sự hi sinh của bà

Rồi khi con nhìn lại đôi bàn tay vốn rất đẹp mà giờ đây nó đã nhăn nheo và chai sạn đi nhiều, hay con để ý thấy gương mặt bà càng ngày càng xuất hiện nhiều những đốm đồi mồi, đôi mắt bà vốn long lanh tuyệt đẹp mà bà hay trêu là “khiến bao chàng trai say đắm” thì bây giờ đã mờ đục, không thể nhìn mọi thứ rõ ràng. Và có lẽ thứ đọng lại ấn tượng sâu lắng nhất chính là mái tóc đen, dài thướt tha mà ngoại không bao giờ muốn cắt nó đi. Từ một mái tóc đen như vậy mà tự bao giờ, nó đã điểm thêm vô số sợi bạc, và rồi tóc bà cũng dần ít đi, thưa hơn và xơ xác hơn. Càng nghĩ, con lại càng thương mái tóc pha sương, pha cả màu nắng, pha màu thời gian của ngoại.

Đôi bàn tay tần tảo vì một đời lam lũ của bà

Tình yêu thương bao la - chỗ dựa tinh thần vững chắc

“Đừng bỏ ăn con nhé có ốm đau ai sẽ lo

Nếu khó khăn không đủ no

Thì về nhà vẫn có bữa cơm của bà’’

Nếu đã từng nghe qua những câu hát này trong ca khúc “Cuộc gọi về nhà” của nữ ca sĩ Orange thì chắc hẳn trái tim của những người con người cháu đã khẽ trào dâng niềm xúc động khi nhớ lại vô vàn lời dặn dò mà có lẽ bà đã nhắc đi nhắc lại không ít lần. Con từng cho rằng bà chỉ đang quá lo xa. Nhưng ngoại là vậy đấy, dù là khi con chập chững tập đi hay con đã khôn lớn thì tình yêu mà ngoại dành cho con vẫn luôn trường tồn theo năm tháng. Tình yêu ấy không hề phô trương, ồn ào mà nó lặng lẽ, âm thầm lan tỏa qua từng cử chỉ, lời nói và những hành động nhỏ nhặt nhất. Đôi tay gầy yếu của ngoại không là chỉ dấu hiệu của những tháng ngày lam lũ mà đó còn là đôi bàn tay đã nâng niu tuổi thơ của bao thế hệ, nhớ mãi những chiếc khăn len bà hay tự đan vào các đợt rét cắt da thịt ở ngoài Bắc hay bát cháo bà nấu nóng hổi rồi đút từng muỗng khi con ốm… Không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết tình yêu thương mà ngoại dành cho con cháu, ngoại chính là bà, là mẹ và là thầy đã nuôi dưỡng con lớn khôn nên người.

Con dù bé….

…hay lớn thì vẫn luôn là đứa trẻ bé bỏng của ngoại.

Cuộc sống ngoài kia lắm chông gai khiến cho con phải gục ngã, nhưng chỉ cần về nhà sà vào lòng bà, tâm hồn con lại thấy bình yên và ấm áp lạ thường. Ánh mắt dịu hiền, nụ cười hiền hậu và giọng nói trầm ấm của bà như xoa dịu mọi nỗi buồn trong con. Mỗi khi mệt mỏi con chỉ muốn được nằm nghe bà kể chuyện như hồi xưa hay đơn giản chỉ là nắm lấy bàn tay gầy guộc là lòng lại nhẹ nhõm hơn bao giờ hết. Ngoại như một ngọn đèn nhỏ âm thầm soi sáng, tiếp sức mạnh cho con vững bước trên đường đời.

Một phần kí ức đẹp của tuổi thơ

Trong tâm hồn mỗi người, kí ức về bà ngoại luôn là những mảnh ghép đẹp đẽ không thể phai nhòa, những hình ảnh thân thuộc ấy trở thành miền kí ức ấm áp, là góc nhỏ bình yên mỗi khi con nhớ về tuổi thơ của mình. Có những chiếc bánh, chiếc kẹo hay trái ổi, trái xoài bà dành dụm không ăn để dành cho con cháu, con không thể nào quên được.

“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?...’’

Có lẽ con cũng giống như đứa cháu bé bỏng trong bài thơ của Bằng Việt, giờ đây cuộc sống lắm bộn bề lo toan, con cũng ít về thăm ngoại hơn. Mà cuộc đời này nào có đâu lâu dài, ngoại vẫn ở đó, mái tóc ngày một bạc hơn, dáng người ngày càng gầy gò hơn theo năm tháng. Còn con, vì muôn vàn lo nghĩ ngoài kia mà đôi khi quên mất rằng ngoại vẫn đang chờ đợi, vẫn mong ngóng những bước chân quen thuộc trở về nhà. Nhớ lại những lúc ngoại tiễn con về Hà Nội rồi lại lủi thủi một mình, con thương ngoại biết bao, ngoại ơi! Ngoại đã dành cả cuộc đời để yêu thương, lo lắng cho con cháu, vậy mà con lại vô tình để thời gian trôi đi mà không kịp đáp lại tấm lòng ấy. Tình cảm bà dành cho con luôn là tình cảm thiêng liêng và đẹp đẽ nhất, từ sâu tận trái tim con chỉ muốn nói rằng: Con cảm ơn ngoại, con yêu ngoại nhiều lắm!

Bài viết: Trần Phương Giang (10D2)

Ảnh: Sưu tầm